BỆNH CÚM MÙA

BỆNH CÚM MÙA

BỆNH CÚM MÙA: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

 

 e1c5661a6354a60aff45

BỆNH CÚM MÙA: NGUYÊN NHÂN, BIỂU HIỆN,

CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Cúm mùa gây ra hơn 9-45 triệu ca mắc mới mỗi năm, với hơn 61.000 trường hợp tử vong (theo Thống kê của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ – CDC). Riêng tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm trong đó có khoảng 10 trường hợp tử vong do bệnh cúm mùa.

Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm (influenza virus) gây nên. Nhiều người cho rằng cúm mùa là bệnh cảm thông thường, tuy nhiên đây lại là 2 bệnh khác nhau. Khác với cảm, cúm mùa có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa thường gây nên bởi virus A, B, C, trong đó thường gặp nhất ở người là chủng cúm A và B. Cúm có thể lây lan thành đại dịch và trên lịch sử thế giới đã ghi nhận các đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, trong khi đó tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng cúm mới rất cao có thể lên tới 90% ở người lớn và trẻ em. Bệnh cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng ở người già, trẻ em, người mắc các bệnh nền mạn tính như tim mạch, huyết áp, COPD, các bệnh về thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có hệ miễn dịch bị suy giảm.

Mùa cúm ở Việt Nam vào tháng mấy?

Cúm mùa thường lưu hành quanh năm nhưng thường tập trung vào một thời điểm nhất định tùy thuộc theo khu vực địa lý. Nhiều nghiên cứu cho rằng virus cúm lây lan trong không khí một cách dễ dàng, đặc biệt là ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thấp. Vì vậy, dịch cúm mùa có xu hướng lan rộng vào mùa đông và mùa xuân, các chuyên gia cảnh báo đỉnh điểm của mùa cúm tại Việt Nam có thể rơi vào tháng 3-4 hoặc 9-10 hàng năm và thường tạm lắng vào mùa hè. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.

Vào thời điểm xuất hiện dịch cúm mùa chúng ta cần hết sức chú ý, đặc biệt là đề phòng các biểu hiện của bệnh cúm ác tính. Các bệnh cúm ác tính có thể gây nên tổn thương phổi rất nhanh chóng, thường trong vòng khoảng 3-5 ngày, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Các biểu hiện cúm ác tính khá giống với cúm thông thường nhưng có thể gây tổn thương phủ tạng. Do đó, bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với cúm, đặc biệt là vào thời điểm dịch cúm bùng phát.

Các chủng cúm mùa

Cúm A

Cúm A là một chủng của cúm mùa. Loại virus này được tìm thấy trên vật chủ tự nhiên là loài chim hoang dã nên còn được biết đến với tên gọi cúm gia cầm. Virus này có thể lây lan ở con người và động vật.

Tỷ lệ mắc cúm A chiếm đa số trong tổng số các ca nhiễm cúm mùa hàng năm, ước tính lên tới 75%. Cúm A có khả năng tạo nên đại dịch bởi chủng này có khả năng biến đổi thành các chủng mới từ mùa dịch này sang mùa dịch khác. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo cần phải tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm để đối phó với chủng cúm mùa mới lưu hành mỗi năm.

Cúm B

Cúm B là chủng cúm phổ biến nhưng ít nguy hiểm hơn nhiều so với cúm A. Nếu như cúm A có thể lây ở cả người và động vật thì cúm B chỉ gặp ở người và loại virus này không có khả năng gây ra đại dịch cúm ở người. Virus gây cúm B rất lành tính và đa phần người bệnh có thể khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi.

Cúm C

Cúm C là loại cúm rất ít gặp và nhẹ hơn hẳn so với cúm A, cúm B. Cúm C có ít các triệu chứng lâm sàng và cũng giống như cúm B, chúng không có khả năng gây đại dịch. Virus cúm C thường gây bệnh ở đường hô hấp trên, các biến chứng ở đường hô hấp dưới rất hiếm gặp và hiện tại chưa có thuốc ngừa chủng virus này.

Cúm D

Virus cúm D là một loại virus Influenza Virus D, thuộc họ nhà Orthomyxoviridae, lần đầu tiên được phân lập từ lợn năm 2011. Đây là virus cúm lây nhiễm cho lợn, gia súc và chưa nhận thấy sự lây lan ở người. Các trường hợp nhiễm virus D rất hiếm gặp so với các loại còn lại. Virus cúm D có 7 đoạn RNA và mã hóa 9 protein trong khi virus cúm loại A, B có 8 đoạn RNA và mã hóa ít nhất 10 đoạn protein.

Cúm D lây nhiễm cho lợn, gia súc và chưa nhận thấy sự lây lan ở người

Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa

Virus Influenza là nguyên nhân chính gây nên bệnh cúm mùa, tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ cho tới nguy kịch. Đối với trường hợp nặng bệnh cúm có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm gia tăng nguy cơ mắc cúm mùa:

Thời tiết: Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm không khí thấp cũng là điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và gây bệnh cúm mùa ở người (1).

Do mắc các bệnh lý nền: Người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, suy gan, hen suyễn,… thường có hệ miễn dịch kém dễ tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập và gây bệnh.

Đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người đang điều trị các loại thuốc kéo dài (ví dụ như bệnh nhân HIV/ AIDS),…

Triệu chứng, biểu hiện của cúm mùa

Những triệu chứng của cúm thường xảy ra đột ngột. Một số dấu hiệu của bệnh cúm mùa như:

Bị sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh

Đau nhức cơ thể

Nhức đầu

Thường xuyên mệt mỏi

Ho

Đau họng

Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

Một số người có thể xuất hiện mệt mỏi và tiêu chảy (thường gặp nhiều ở trẻ em).

Không phải tất cả những người mắc cúm đều có đầy đủ các biểu hiện của cúm mùa kể trên, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Nhìn chung các triệu chứng của cúm mùa thường giới hạn ở đường hô hấp trên.

Bệnh cúm mùa lây lan như thế nào?

Bệnh cúm lây lan chủ yếu thông qua những giọt bắn li ti tạo ra khi người mắc cúm hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Thông qua những giọt bắn này, bệnh cúm có thể lây lan từ người này sang người khác. Ngoài ra, cũng có trường hợp người mắc cúm khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể nào đó chứa virus cúm sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng của mình.

Thời gian ủ bệnh cúm mùa

Cúm mùa thường ủ bệnh trong khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi,… Về sau khi các triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện, trẻ nhỏ sẽ xuất hiện các triệu chứng ngạt, ăn không ngon, mệt mỏi,…

Những người mắc cúm thường dễ lây lan trong khoảng 3-4 ngày đầu tiên khi bệnh bắt đầu. Một số trường hợp có thể lây bệnh cho người khác bắt đầu từ 1 ngày trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện và cho đến khoảng 5-7 ngày sau khi mắc. Trẻ nhỏ và người già do có hệ miễn dịch yếu sẽ lây virus cho người khác trong khoảng thời gian dài hơn.

Bệnh cúm mùa nguy hiểm ra sao?

Dễ lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng cúm mùa là một bệnh lý do virus gây nên và rất dễ lây từ người sang người thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi hắt hơi, ho hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc chung đồ vật. Người mắc cúm có thể lây sang cho người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp từ khoảng cách xa đến hơn 2m.

Bệnh cúm có nguy cơ chuyển thành ác tính

Có nhiều trường hợp mắc cúm có thể diễn tiến nặng với triệu chứng sốt cao, khó thở, phù phổi do suy tim và có thể dẫn tới tử vong. Cúm có thể dễ chuyển biến thành ác tính ở người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận hay đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai. Cúm cũng có thể diễn tiến thành ác tính ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch. Di chứng của cúm không chỉ ngay trước mắt mà còn có thể gây viêm khớp, các bệnh lý tim mạch như đột quỵ… sau này. Do đó, nếu nhận thấy các vấn đề bất thường, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và tránh các biến chứng xấu có thể xảy đến.

Xảy ra biến chứng nếu không kịp thời điều trị

Bệnh cúm mùa nếu không được điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể khiến bệnh chuyển biến nặng và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc, nguy hại tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Nếu không được điều trị, người mắc có khả năng đối mặt với các biến chứng bệnh cúm mùa như viêm phổi, suy hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, viêm não thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Gây nguy hiểm cho thai phụ

Nhiều người cho rằng cúm mùa là bệnh lý dễ dàng xử trí và không gây quá nhiều nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời, mặc dù vậy bệnh cúm có khả năng gây biến chứng nghiêm trọng với phụ nữ mang thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu khi mang thai có thể gây biến chứng thai nhi, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, trong vòng 3 tháng đầu nếu sốt cao kết hợp với độc tính của virus thì mẹ bầu có thể bị kích thích co bóp tử cung dẫn tới dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non hoặc thai lưu.

Biến chứng bệnh cúm mùa có thể gây hại tới sức khỏe của phụ nữ mang thai

Bệnh cúm mùa gây nên biến chứng gì?

Đa phần các trường hợp mắc cúm mùa đều bình phục sau vài ngày đến dưới hai tuần. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, biến chứng (ví dụ viêm phổi) do cúm có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, cúm còn gây viêm xoang, viêm tai, viêm khớp, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch, viêm xoang, hen phế quản, các bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim,…  cũng khiến cho các bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn.

Nhóm dễ gặp biến chứng do cúm mùa là trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, người mắc các bệnh lý nền mạn tính.

Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cúm có thể gây biến chứng phổi hoặc sảy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh. Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là hội chứng Reye (gây sưng tấy ở trong gan và não). Mặc dù hội chứng này khá hiếm gặp nhưng để lại biến chứng trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng Reye thường gặp ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi (vài ngày sau khi bị cúm).

Phương pháp điều trị cúm mùa

Bệnh cúm thông thường có thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể điều trị các triệu chứng của cúm mùa bằng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với bệnh nhân cúm mùa không thuộc nhóm nguy cơ cao cần được điều trị triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Bệnh nhân chỉ cần tập trung điều trị làm giảm các triệu chứng, lưu ý người bệnh nên ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối với các bệnh nhân bị cúm nặng hoặc có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Các loại thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng của cúm. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, thuốc kháng virus có hiệu quả tốt nhất nếu bắt đầu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên khi mắc. Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng thuốc ở thời điểm muộn hơn, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý mãn tính.

Lưu ý, với trường hợp các triệu chứng của cảm cúm kéo dài (thường quá một tuần), người bệnh sốt cao mặc dù đã sử dụng các loại thuốc hạ sốt, ho nhiều, tức ngực,… cần tới cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Cúm mùa là bệnh lý lành tính, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan với bệnh. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, hãy tới ngay các Trung tâm an toàn, uy tín, chất lượng thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC tiêm vắc xin để phòng ngừa cúm mùa hàng năm đầy đủ và đúng cách!

NHS: Phạm Thị Tuyết Vui

Nguồn in : TYT PHƯỚC BÌNH